Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Văn bản điện tử mà vẫn phải có giấy đi kèm tốn kém gấp đôi'

Tin tức - Hoạt động > Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Văn bản điện tử mà vẫn phải có giấy đi kèm tốn kém gấp đôi'

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Văn bản điện tử mà vẫn phải có giấy đi kèm tốn kém gấp đôi'

Chính Phủ 14/09/2020 1

TTO - Cần tập trung tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, chế độ báo cáo, các dịch vụ công nhằm đơn giản hóa thủ tục để sớm ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chính phủ điện tử hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Văn bản điện tử mà vẫn phải có giấy đi kèm tốn kém gấp đôi - Ảnh 1.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với 7 địa phương - Ảnh: N.AN

Ngày 11-9, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 7 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ về tình hình triển khai nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính.

Triển khai vẫn còn chậm

Theo báo cáo tổng hợp của Tổ công tác, hầu hết các địa phương đã ban hành, sửa đổi quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản theo quy định. Thực hiện kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia với 4 cấp hành chính, triển khai phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc các cấp chính quyền, bước đầu triển khai xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử.

Đối với triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tất cả các tỉnh đã kết nối và hoàn thành tích hợp một lần. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, số lượng rất ít, nhiều dịch vụ quá hạn hoàn thành tích hợp nên khó đáp ứng được yêu cầu Chính phủ đặt ra. Các địa phương cũng đã triển khai chuẩn hóa chế độ báo cáo, song cần được rà soát, chuẩn hóa và công bố.

Tuy nhiên, khó khăn là tốc độ kết nối vào thời cao điểm còn thấp, chia sẻ kết nối giữa cá hệ thống thông tin của địa phương đã triển khai nhưng còn chậm. Việc chuẩn hóa, điện tử hóa chế độ báo cáo, chỉ số báo cáo còn nhiều khó khăn do thiếu thống nhất, việc thực hiện cấp bản sao điện tử chứng thực từ bản chính còn hạn chế, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế...

Thay đổi tư duy, phân công trách nhiệm cụ thể

Ông Nguyễn Trọng Thừa, thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc thực hiện, cả chất lượng và tiến độ. Việc cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả cao, nhưng kết quả chung số lượng chất lượng còn hạn chế, có những dịch vụ công mà người dân không tham gia.

Do đó, ông đề nghị các địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn trên cơ sở có kế hoạch chi tiết, nội dung và thời gian thực hiện cụ thể, phân công nhiệm vụ chứ không nói chung chung.

Tới đây cần tổng kết đánh giá lại chiến lược cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính, công sở, chính phủ số, điện tử. Đẩy mạnh cơ sở dữ liệu cán bộ công chức, viên chức, đánh giá về sự hài lòng người dân, lĩnh vực nào địa phương nào làm chưa tốt thì tổng hợp và công khai.

Còn bộ trưởng Dũng nhấn mạnh cần tập trung tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, chế độ báo cáo, dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục để ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện thủ tục. Từ nay đến tháng 11-2020 phải kết nối 100% với 7 địa phương về báo cáo quốc gia, hệ thống chỉ tiêu, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử chữ ký số.

Nhiệm vụ là từ nay đến cuối năm phải kết nối báo cáo quốc gia để báo cáo Thủ tướng, phục vụ điều hành chỉ đạo và chia sẻ thông tin, giúp hỗ trợ địa phương. Do đó, phải cấu trúc báo cáo với quy trình chuẩn mực.

"Cần thay đổi dần tư duy đã có văn bản điện tử mà có văn bản giấy kèm theo thì tốn kém gấp đôi. Tôi đi đâu cũng có iPad đi theo để ký, Thủ tướng giao giải quyết mà không có thì không thể làm được. Vì vậy mong có cải cách và thay đổi lớn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với việc thanh toán, Văn phòng Chính phủ thống nhất ngày 15-9 các nhà mạng và trung gian sẽ kết nối, chia sẻ và liên thông chứ không phải mở thêm tài khoản. Tới đây sẽ tập trung dịch vụ nộp phí, lệ phí và giáo dục, tạo tiện ích cho người dùng lớn hơn.